top of page
Ảnh của tác giảThi Kieu Oanh Tran

TỬ VI ĐẨU SỐ NHẬP MÔN.



Các khái niệm cơ bản trong môn Tử Vi Đẩu Số

1.1 Tinh, Diệu và Đẩu

Hai chữ Tinh và Diệu đều có nghĩa là: (ngôi) SAO. Còn Đẩu là chỉ chòm sao Nam Đẩu hay chòm sao Bắc Đẩu, chòm sao Bắc Đẩu này có 7 ngôi sao nên thường gọi là Thất Tinh Bắc Đẩu (thực tế nó có 9 ngôi sao, gồm cả Tả Phù và Hữu Bật ở 2 bên, nhưng vì 2 sao này khó thấy nên được coi là trợ tinh cho 7 ngôi chính trong chòm), chòm sao Nam Đẩu thì có 6 ngôi nên gọi là Nam Đẩu Lục Tinh. Vào khoa TVĐS, thì Đẩu được gán dùng gần như là riêng cho sao Tử Vi, ngoài ra nó còn được dùng để phân chia tính chất thuộc Nam Đẩu, Bắc Đẩu cho một số sao.

Cần phân biệt khi nào thì người ta dùng chữ Tinh còn khi nào thì dùng chữ Diệu:

- Tinh, được dùng chỉ các Sao nói chung, hơn trăm sao của khoa TVĐS đều có thể gọi là Tinh. Như:

+ Chính Tinh = Chính Diệu = 14 sao của 2 vòng Tử Vi, Thiên Phủ.

+ Phụ Tinh = tất cả các sao còn lại trừ 14 sao thuộc Chính Tinh.

+ Lục cát tinh = 6 sao phò trợ có tính tốt lành nổi bật (Khôi, Việt, Xương, Khúc, Tả, Hữu).

+ Lục sát tinh = 6 sao có tính hung sát nổi bật (Kình, Đà, Linh, Hỏa, Không, Kiếp). Trong đó thuật ngữ “Tứ Sát” được dùng phổ biến hơn gồm Kình, Đà, Linh, Hỏa.

+ Tứ Hóa tinh = 4 sao Lộc, Quyền, Khoa, Kị.

Về sự phân chia thứ/cấp bậc, một số sách Tàu (theo xuất phát từ đại tông sư Trương Khai Quyển) còn chia ra thành:

Giáp cấp tinh = các sao cấp một, cấp cao nhất, có tính quan trọng tác động mạnh mẽ nhất, gồm có 30 sao kể trên và 2 sao Lộc Tồn + Thiên Mã.

Ất cấp tinh = các sao cấp hai, gồm Thai - Tọa, Quang - Quý, Long - Phượng, Phụ - Cáo, Quan - Phúc, Tài - Thọ, Hồng - Hỉ, Giải Thần và Hình - Diêu, Thương - Sứ, Khốc - Hư, Cô - Quả,...

Bính cấp tinh = các sao cấp ba, gồm các sao của: vòng Bác Sĩ + vòng Tràng Sinh.

Đinh cấp tinh = các sao cấp bốn, gồm các sao vòng Tướng Tinh.

Mậu cấp tinh = các sao cấp năm, gồm các sao của vòng Thái Tuế.

Giới thiệu qua cách phân chia của Tàu để chúng ta khi đọc sách có thể hiểu rõ về thuật ngữ của họ, từ đó mà lần ra manh mối trong một số chiêu thức họ dùng. Chứ đối với Tử Vi Việt thì không phân chia rõ cấp độ Giáp Ất gì cả, vì một số sao cấp bét re như Tang, Tuế, Điếu nhiều khi còn có tác dụng mạnh, có tín hiệu thông tin rõ rệt hơn cả chính tinh tọa thủ.

- Diệu, từ này chỉ dùng chủ yếu cho 14 Chính Tinh và Tứ Hóa tinh và một vài sao quan trọng (thuộc nhóm sao cấp một) mà có thể phân định Miếu, Vượng, Đắc, Hãm, theo vị trí tọa thủ của chúng. Ta thường thấy các thuật ngữ như: Chính Diệu, Hóa Diệu, Sát Diệu, Tạp Diệu. Những sao thuộc cấp hai trở đi thì không được kể gọi là Diệu. Bởi vì 14 Chính Tinh được gọi là các Chính Diệu, cho nên cung nào mà không có Chính Diệu tọa thủ thì cung đó được gọi là Vô Chính Diệu.

1.2 Miếu, Vượng, Đắc, Bình, Hãm

Là những thuật ngữ được dùng chỉ nơi (cung) mà các sao tọa thủ, đồng thời cũng là nơi mà các sao phát huy được những tính chất tích cực cát lợi hay tiêu cực hung họa của chúng.

Một số trường phái dùng độ sáng của sao để mà giảng nghĩa về các thuật ngữ này, khá hình tượng và dễ hiểu: Khi một sao nào đó có được vị trí thuận lợi nhất, góc độ chiếu ánh sáng tốt nhất, thời gian phù hợp nhất,... thì được coi là nhập Miếu ở đó, bất kể là Cát tinh hay Hung tinh, lúc ấy đều mang đến những sự thuận lợi, khích lệ, những ảnh hưởng tích cực đối với người được ảnh hưởng bởi nó.

Chữ Miếu vốn có nghĩa là nơi thờ cúng thần linh, bởi vậy khi một sao nhập Miếu thì dù nó là Cát hay Hung tinh vẫn được coi như trở thành THẦN chứ không có Tính SÁT nữa. Cho nên, người ta lấy hình ảnh độ sáng rực rỡ, tinh anh của sao mà mô tả trạng thái nhập Miếu của sao.

Theo thứ tự Miếu, Vượng, Đắc, Bình, Hãm thì độ sáng giảm dần.

Tại sao người ta chỉ phân định vị trí Miếu, Vượng, Đắc, Bình, Hãm, cho một số sao?

Thưa, chỉ có những Diệu mới được coi là có thể thấy độ sáng rõ ràng, còn các phụ tinh khác thì ánh sáng có vẻ tương đương nhau suốt bốn mùa, dù là nó di chuyển đến góc nào, vị trí nào trên bầu trời vẫn thấy anh sáng không thay đổi.

Căn cứ vào đâu mà người ta phân biệt được sự thay đổi độ sáng này?

Thưa, trong thiên văn cổ, người ta (chủ yếu là các quan trong Khâm Thiên Giám hoặc cơ quan tương tự) quan sát và ghi chép rất tỉ mỉ về vị trí của các sao trên bầu trời trong suốt thời gian dài hàng trăm năm. Vì nhận thấy vị trí của khá nhiều sao có sự dịch chuyển sau 1 thời gian nhất định so với góc quan sát từ mặt đất, nên người ta mới dùng phương pháp vẽ ra các ô, các khung (gọi là cung) trên những tấm giấy ghi chép vị trí sao trên bầu trời. Rồi sau đó, khi nhìn trời người ta tưởng tượng trong đầu là vào thời gian đang quan sát thì những sao nào đang đi vào cung nào.

Trong môn Tử Vi, sự phân chia Miếu, Vượng, Đắc, Bình, Hãm, của các sao được căn cứ vào rất nhiều dữ kiện của Dịch Lý, Thiên Văn, Lịch Pháp, Ngũ Hành, Ngũ Sự, Tạp Chiêm,...

Ví dụ đối với Nhật - Nguyệt thì cứ theo lý thường (tạp chiêm) là ở các cung ứng với các Giờ theo thời gian thuộc Ban Ngày – khi mà Mặt Trời đang mọc lên thì Nhật được Đắc Vượng, đến các cung ứng với các giờ Tị, Ngọ thì Thái Dương nhập Miếu, sau đó là quá trình Mặt Trời lặn từ cung Thân cho đến các cung tương ứng Ban Đêm thì Thái Dương lạc Hãm. Đối với Nguyệt thì cũng theo cái lý tương tự nhưng diễn trình ngược lại.

Nhưng một số sao khác lại phải dùng Ngũ Hành mà định Đắc, Hãm,... một số sao lại phải dùng thời gian theo Lịch Pháp mà phân định nơi đắc hãm (có thời gian nó tỏ, có thời gian lại mờ)... một số sao lại phải dùng Dịch Lý (vị trí của các quái) mà định đắc, hãm,... chỉ có một điểm chung là mối tương quan Miếu Vượng Đắc Hãm của các sao đều phải phụ thuộc rất nhiều theo vị trí Miếu Vượng Đắc Hãm của 4 chúa tinh Tử - Phủ - Nhật – Nguyệt.

Khi các sao vào chỗ Hãm, thì dù là Cát tinh hay Hung tinh đều làm tăng tính tiêu cực, hung hiểm. Tính tốt, tích cực hầu như không phát huy được, trừ khi có Tuần Triệt đồng cung.

1.3 Các thuật ngữ về Cung, Thiên Bàn và Địa Bàn

Cung, là Không Gian nơi mà các sao cư ngụ, trên lá số Tử Vi được chia làm 12 cung, đặt tên theo 12 Địa Chi (từ Tý đến Hợi), đồng thời hàm chứa ý nghĩa về Thời Gian với 12 năm (Địa Chi theo Thái Tuế), 12 Tháng, 12 Giờ.

Như bài trước đã nói, Cung vốn là thuật ngữ của môn Thiên Văn Học, người ta phải chia sơ đồ trên giấy và trên trời (tưởng tượng có vạch phân chia) thành các cung khác nhau để theo dõi cho chính xác vị trí, triền thứ của sao sau mỗi thời gian nhất định trôi qua.

Khi đưa vào môn Tử Vi, vì cái lý "Trời tròn ôm lấy Đất vuông" của thuyết Cái Thiên, đầu tiên nên ta vẽ 1 hình vuông trên giấy để tượng trưng cho Đất, đó gọi là Địa Bàn. Tiếp đó, đem 12 cung của vòng tròn (như 1 tấm lưới 12 ô) tượng trưng cho Trời áp lên trên hình vuông của Địa bàn, 12 cung đó chính là Thiên Bàn. Để dễ nhìn và dễ vẽ 12 cung của vòng tròn Thiên Bàn được điều chỉnh thành vòng tuần hoàn 12 ô liên tiếp nằm ôm vừa vặn lấy hình vuông của Địa Bàn. Phần còn lại của Địa Bàn lúc này chỉ còn là ô vuông lớn nằm giữa lá số. Còn 12 ô vuông bé được gọi là Thiên Bàn.

Trước giờ khái niệm/thuật ngữ này được hiểu lẫn lộn, nhiều sách/người gọi ngược nhau, vì nhiều người cho rằng 12 ô vuông bé kia là Địa Bàn do nó mang tên của các Địa Chi. Thưa, không phải vậy, tên của 12 cung đó ban đầu là lấy theo tên của 12 cung trong Thiên Văn, sau mới được áp dụng tên Địa Chi của 12 tháng trong năm. Hơn nữa, các Sao thì phải nằm ở các cung trên trời, trên Thiên Bàn chứ, lẽ nào mà sao lại nằm ở dưới đất, dưới Địa Bàn cho được.

- Các cung Dần, Mão, Thìn: đại diện cho các tháng Giêng, Hai, Ba. Thuộc hướng Đông, trong đó vị trí Mão trỏ hướng Chính Đông. Đại diện cho mùa Xuân, có Hành thuộc Mộc, riêng cung Thìn thuộc Thổ vì tháng Ba là lúc khí Mộc của mùa Xuân đã bị suy yếu ẩn tàng đi để chuẩn bị bước sang mùa Hạ.

- Các cung Tị, Ngọ, Mùi: đại diện cho các tháng Tư, Năm, Sáu. Thuộc hướng Nam, trong đó vị trí Ngọ trỏ hướng Chính Nam. Đại diện cho mùa Hạ, có Hành thuộc Hỏa, riêng cung Mùi thuộc Thổ vì vào tháng Sáu thì khí Hỏa từ trời chiếu xuống đã suy yếu, thời tiết chuẩn bị bước sang mùa Thu.

- Các cung Thân, Dậu, Tuất: đại diện cho các tháng Bảy, Tám, Chín. Thuộc hướng Tây, trong đó vị trí Dậu trỏ hướng Chính Tây. Đại diện cho mùa Thu, có Hành thuộc Kim, riêng cung Tuất thuộc Thổ vì khi ấy khí khô táo của mùa Thu suy yếu, thời tiết có gió lạnh và chuẩn bị chuyển sang mùa Đông.

- Các cung Hợi, Tý, Sửu: đại diện cho các tháng Mười, Một (11), Chạp (12). Thuộc hướng Bắc, trong đó vị trí Tý trỏ hướng Chính Bắc. Đại diện cho mùa Đông, có Hành thuộc Thủy, riêng cung Sửu thuộc Thổ vì khi ấy khí lạnh đã suy yếu, chuẩn bị chuyển sang ấm áp của Mùa Xuân.

- Các Quái của các cung được phối với Hậu Thiên Bát Quái: Từ cung Tý ứng quái Khảm, Sửu & Dần ứng quái Cấn, Mão ứng quái Chấn, Thìn & Tị ứng quái Tốn, Ngọ ứng quái Ly, Mùi & Thân ứng quái Khôn, Dậu ứng quái Đoài, Tuất & Hợi ứng quái Càn.

- Nhàn Cung = Nơi mà một Sao nào đó có độ sáng kém, mờ,… nói cách khác thì ở “nhàn cung” thì Sao ấy lạc vào vị trí Bình hoặc Hãm. Thuật ngữ này dùng chủ yếu cho các Chính Diệu và các Cát tinh, vì khi đề cập đến nó thì người ta hay nói “lạc nhàn cung thì sức cứu giải kém,… lạc nhàn cung thì vô uy lực,…”, chứ hiếm thấy người ta sử dụng thuật ngữ này để nói về các Sát, Hung tinh.

- Cường Cung = Các cung (được cho là) có ảnh hưởng mạnh mẽ, quan trọng đối với số phận của 1 con người, đó là các cung: Mệnh, Phúc, Phu Thê, Quan Lộc, Tài Bạch, Thiên Di.

- Bản Cung = Cung mà ta đang xét, đang luận.

Ví dụ đang luận về vấn đề cha mẹ ở cung Phụ Mẫu thì cung này được gọi là Bản Cung. Nếu luận về vấn đề sức khỏe ở cung Tật Ách thì cung này được gọi là Bản Cung.

- Xung Cung = Hai cung mà nằm trên cùng một trục (trong 6 trục: Tý-Ngọ, Sửu-Mùi, Dần-Thân, Mão-Dậu, Thìn-Tuất, Tị-Hợi) thì được gọi là xung cung của nhau. Đôi khi, người ta còn gọi là “cung xung đối” hoặc “cung đối xung” vì 2 cung này vừa có Tính đối xứng với nhau qua tâm (trên trục của chúng và cũng là) của lá số, lại vừa có Tính đối xứng trục (qua trục khác vuông góc với trục của chúng).

Trong khi xem số (khán số), luận đoán lá số, thì Xung Cung có ảnh hưởng rất mạnh đối với cung đang xét. Vì lý rằng “có xung thì có động” (xung động) và ảnh hưởng của các sao trực chiếu (chiếu thẳng từ cung này tới cung xung với nó) là tác động cực lớn.

- Đối Cung = Hai cung mà có Tính đối xứng với nhau qua tâm hay qua một trục nào đó thì được gọi là “đối cung”.

Ví dụ 1: Xung Cung là trường hợp đặc biệt của Đối Cung.

Ví dụ 2: Cung Tý và cung Sửu được coi là đối cung của nhau qua trục phân chia gianh giới các cung Tý-Sửu và Ngọ-Mùi (nói cách khác là trục chia đôi lá số theo chiều dọc).

Ví dụ 3: Cung Tý và cung Tuất được coi là đối cung của nhau qua trục Tị-Hợi.

- Tam Phương = Ba cung Tam Hợp hợp với nhau = Từ 1 là Bản Cung đếm xuôi ngược đến 5 và đến 9 thì tới cung được gọi là Tam Hợp. Trên lá số Tử Vi có các Tam Hợp như sau:

+ Thân-Tý-Thìn: Ba cung này còn gọi là Tam Hợp Cục Thủy, tức là nhóm 3 cung này thành 1 cục và Hành của cục này là hành Thủy. (Nếu dùng lý tiêu trưởng 12 bước của vòng Tràng Sinh thì sẽ thấy địa chi đứng đầu sẽ ứng với vị trí Tràng Sinh, địa chi đứng giữa của Tam Hợp này sẽ ứng với vị trí Đế Vượng, địa chi đứng cuối sẽ ứng với vị trí Mộ. Nơi khí được Vượng nhất thì được lấy làm đặc trưng cho Tam Hợp này, mà Tý thì thuộc Thủy, cho nên Tam Hợp này mang hành Thủy).

+ Hợi-Mão-Mùi: còn gọi là Tam Hợp Cục Mộc.

+ Dần-Ngọ-Tuất: còn gọi là Tam Hợp Cục Hỏa.

+ Tị-Dậu-Sửu: còn gọi là Tam Hợp Cục Kim.

- Tứ Chính = Ba cung Tam Hợp + Xung cung.

Lưu ý, Tam phương Tứ chính thường được dùng cùng với nhau để nói về 3 cung, 4 cung mà có tác động mạnh mẽ nhất đến Bản Cung.

Ngoài ra, thuật ngữ Tứ Chính còn được dùng để chỉ 4 cung Tý, Ngọ, Mão, Dậu vì Hành mỗi cung này là đại diện Chính cho các Hành của Cục mà nó tham dự.

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý, Tứ Chính còn được trường phái Tứ Hóa Phi Tinh của Tử Vi coi là 1 khái niệm riêng về 4 cung trên 2 trục trực giao (vuông góc với nhau), thí dụ như tổ hợp các cung Mệnh – Di – Điền – Tử.

Tổ hợp tương tác Tam Phương và tổ hợp tương tác trên 4 cung của 2 trục trực giao cũng là những tổ hợp chính trong phương pháp luận đoán của Chiêm Tinh Vedic và Chiêm Tinh phương Tây, trong đó, Tam Phương là có góc chiếu 120 độ (tính từ tâm, tức địa bàn quan sát) được gọi là tổ hợp tương tác Grand Trine = Đại Tam Hợp, còn tổ hợp 4 cung trên 2 trục trực giao có góc chiếu 90 độ (tính từ tâm) được gọi là tổ hợp tương tác T Square = T Vuông hay là Đại Trực Giao, còn tổ hợp 4 cung gồm 3 cung Tam Hợp và 1 cung ở đối xung với 1 đỉnh trong tam giác tam hợp đó thì được gọi là tổ hợp tương tác Kite = Hình Diều và đây chính là tổ hợp tương tác giống như thuật ngữ Tam Phương Tứ Chính của Tử Vi Đẩu Số theo trường phái Tam Hợp.

- Hiệp: Các Cát Tinh ở các cung giáp bên, tam hợp, đối chiếu cùng chiếu về bản cung có Cát Tinh; hoặc các Hung Tinh cùng tụ tập về bản cung có Hung Tinh; tức là các sao cùng tính cát (tốt) hay hung (xấu) tụ hội với nhau thì được gọi là "hiệp" = hiệp trợ, cùng hợp sức, cùng trợ giúp,... cho nhau.

- Hiếp: Các Hung Tinh ở các cung tam hợp, đối chiếu, giáp bên, cùng chiếu về bản cung có Cát Tinh, thì gọi là "hiếp" = ức hiếp, đe dọa, gây hoạn nạn,...

- Tọa: Các Cát Tinh nhập vào bản cung thì được gọi là Tọa (ngồi).

- Cứ: Các Hung Tinh nhập vào bản cung thì được gọi là Cứ (chiếm giữ).

- Triều: Các Cát Tinh ở cung xung đối, chiếu về bản cung thì được gọi là Triều (chầu).

- Xung: Các Hung Tinh ở cung xung đối, chiếu về bản cung thì được gọi là Xung (xung kích, kích động).

- Củng: Các Cát Tinh ở cung tam phương tứ chính (đôi khi tính cả cung nhị hợp) thì được gọi là Củng = vây quanh để củng cố, hỗ trợ.

- Cung Nhị Hợp = các cung đối xứng với nhau qua trục chia gianh giới dọc lá số, ảnh hưởng của Nhị Hợp thường có tính chất 1 chiều thì mạnh, chiều ngược lại thì yếu, có 6 cặp cung:

+ Sửu nhị hợp vào Tý

+ Hợi nhị hợp vào Dần

+ Mão nhị hợp vào Tuất

+ Dậu nhị hợp vào Thìn.

+ Tị nhị hợp vào Thân.

+ Mùi nhị hợp Ngọ.

- Cung Lục Hại = các cung đối xứng với nhau qua trục chia gianh giới ngang lá số, ảnh hưởng của Lục Hại có tác dụng 2 chiều tương đương và thường là khắc chế, làm hại lẫn nhau. Các cặp cung Lục Hại:

+ Tý <-> Mùi.

+ Sửu <-> Ngọ.

+ Dần <-> Tị.

+ Mão <-> Thìn.

+ Thân <-> Hợi.

+ Dậu <-> Tuất.

- Lân Cung, Giáp Cung = các cung ở cạnh, liền kề ngay bên bản cung thì được gọi là Lân (hàng xóm) Cung, giáp cung.

Các sao đôi từng cặp (như Nhật Nguyệt, Xương Khúc, Không Kiếp,...) mà ở tại các Lân Cung thì được gọi là "giáp bản cung" (gọi tắt = giáp).

- Thiên La = cung Thìn. Thìn là nơi biểu hiện của ngày Đông chí, mặt trời tới giờ Thìn mà vẫn "chưa mọc hết" tức là ở vị trí thấp nhất với đường chân trời so với các ngày khác trong năm. Hiện tượng đó được hình dung như mặt trời bị vướng vào cái lưới nên đặt tên là Thiên La cho cung Thìn, đặt vào đó 1 "sao" gọi là Thiên La, tượng là cái lưới, chặn, vướng mắc, khó khăn,...

- Địa Võng = cung Tuất. Tuất là nơi biểu hiện của ngày Hạ chí, mặt trời tới giờ Tuất mà vẫn "chưa lặn hết" tức là ở vị trí cao nhất với đường chân trời so với các ngày khác trong năm. Hiện tượng đó được hình dung như là mặt đất bị võng xuống nên giờ ấy mặt trời vẫn chưa lặn hết, nên đặt tên Địa Võng cho cung Tuất, đặt ở đó 1 sao Địa Võng, tượng là cái hố, cái bẫy, đất sụt, khó khăn,...

- Tứ Sinh / Tứ Mã = vị trí của các cung Dần, Thân, Tị, Hợi.

Tại đó, luôn luôn là vị trí mà sao Thiên Mã và sao Tràng Sinh, không bao giờ 2 sao này được an ở các cung ngoài 4 cung này.

Nếu xét các bộ Tam Hợp (ví dụ, Thân-Tý-Thìn) thì địa chi đứng đầu bao giờ cũng là ở vị trí của Sinh.

- Tứ Bại / Tứ Đào Hoa / Tứ Chính = vị trí của các cung Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Tại đó luôn luôn là vị trí của Mộc Dục (của vòng Tràng Sinh cho Địa Chi) và của Đào Hoa, chủ phát dục, tình ái, tửu sắc cho nên gọi là Bại. Nếu xét các bộ Tam Hợp thì Địa Chi đứng chính giữa bao giờ cũng thuộc về Tứ Chính bởi vì đứng giữa Tam Hợp cũng là đứng giữa Tam Hội và ở Chính hướng theo các phương hướng Đông Tây Nam Bắc đồng thời là đại diện Chính cho Ngũ Hành của Tam Hợp và Tam Hội.

- Tứ Mộ = Các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

Nguyên nhân và ý nghĩa cũng tương tự như cách giải thích 2 trường hợp trên.

- Lôi Môn = cung Mão, đó là vị trí được phối với quẻ Chấn, mà Chấn vi Lôi (chấn là sấm sét).

- Thiên Môn = cung Hợi (có khi kể cả Tuất) vì đó là vị trí được phối với quẻ Càn, mà Càn vi Thiên.

- Địa Môn = cung Tị (có khi kể cả Thìn) vì đó là nơi đối diện với Thiên Môn.

* Có nhiều sách dùng thuật ngữ "Thiên Môn, Địa Hộ" (cửa trời, cửa đất) là để chỉ cung Thìn và cung Tuất.

- Phân chia Tam Tài cho cung:

+ Tý Ngọ Mão Dậu thuộc tài Thiên, vì "Thiên khai ư Tý".

+ Thìn Tuất Sửu Mùi thuộc tài Địa, vì "Địa tịnh ư Sửu".

+ Dần Thân Tị Hợi thuộc tài Nhân, vì "Nhân sinh ư Dần"


Còn tiếp...

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
bottom of page